Doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục xét miễn thuế
Thứ sáu, 21.08.2015 10:54Doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục xét miễn thuế, hoặc hoàn thuế xuất khẩu, hoặc thuế nhập khẩu thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ
- Trách nhiệm của Văn thư Tổng cục Hải quan:
- Tất cả các hồ sơ đề nghị xem xét miễn thuế, hoàn thuế đều phải gửi, vào sổ theo dõi qua bộ phận Văn thư của Tổng cục Hải quan.
- Trách nhiệm của Văn thư Vụ Kiểm tra thu thuế XNK: Văn thư Vụ Kiểm tra thu thuế XNK sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Văn thư Tổng cục vào sổ công văn, lập phiếu luân chuyển công văn (theo mẫu đính kèm) trình lãnh đạo Vụ cùng ngày hoặc ngày làm việc tiếp theo để phân công cho chuyên viên xử lý.
Bước 2: Phân công trách nhiệm xử lý hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ công văn (hồ sơ và phiếu chuyển) từ Văn thư Vụ, lãnh đạo Vụ phải định hướng xử lý công văn, phân công cho chuyên viên xử lý hồ sơ. Văn thư phải có trách nhiệm chuyển ngay trong cùng ngày hoặc ngày làm việc tiếp sau cho chuyên viên trực tiếp giải quyết.
Bước 3: Xét xem, đề xuất xử lý hồ sơ
Cán bộ được phân công nhiệm vụ giải quyết hồ sơ xét miễn thuế, hoàn thuế phải có trách nhiệm: Kiểm tra thủ tục hồ sơ miễn, hoàn thuế theo quy định tại các văn bản về thuế XNK hiện hành, kiểm tra tính đầy đủ, tính pháp lý của hồ sơ theo quy định;
- Đối với hàng nhập khẩu phục vụ cho mục đích an ninh, quốc phòng nhưng nằm trong dự án thuộc nguồn vốn đầu tư tập trung của Ngân sách Nhà nước thì phải lấy thêm ý kiến tham gia của Vụ Đầu tư, Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài Chính).
- Theo quy định tại Điểm 1, Mục II Phần D Thông tư số 172/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài Chính trong hồ sơ gửi xin miễn Thuế nhập khẩu phải có hợp đồng ủy thác nhập khẩu (nếu là hàng nhập khẩu ủy thác). Tuy nhiên có một số trường hợp hai bên không ký hợp đồng uỷ thác nhập khẩu mà ký hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp này nếu hàng được cung cấp theo kết quả đấu thầu, giá cung cấp theo hợp đồng là giá nhập khẩu theo hợp đồng ngoại thương ghi trên tờ khai Hải quan thì cũng xử lý như hàng ủy thác nhập khẩu.
- Các đơn vị, cá nhân có liên quan được giao tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ tài liệu liên quan đến xét miễn thuế phải giữ gìn và bảo quản theo chế độ mật.
Bước 4: Thẩm tra việc đề xuất giải quyết miễn thuế, hoàn thuế
Trước khi trình lãnh đạo Tổng cục ký quyết định miễn thuế, hoàn thuế:
1. Trách nhiệm của lãnh đạo Vụ Kiểm tra Thu thuế XNK
Kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ và nội dung đề xuất miễn thuế, hoàn thuế của chuyên viên.
- Yêu cầu chuyên viên giải trình các vấn đề chưa rõ còn vướng mắc (nếu có)
- Định hướng giải quyết những vấn đề vướng mắc vượt quá thẩm quyền để đề xuất lên lãnh đạo Tổng cục phương án xử lý cụ thể.
- Duyệt, ký "nháy" các dự thảo văn bản miễn, hoàn thuế do chuyên viên soạn thảo.
- Thời gian tối đa không quá 2 (hai) ngày làm việc kể từ ngày chuyên viên trình lãnh đạo Vụ.
2. Trách nhiệm của lãnh đạo Văn phòng Tổng cục Hải quan
- Sau khi lãnh đạo Vụ kiểm tra thu thuế XNK thẩm định ký trình dự thảo văn bản miễn thuế, hoàn thuế thì toàn bộ hồ sơ phải chuyển cho Văn phòng Tổng cục để kiểm tra về thể thức văn bản. Nếu phát hiện các vấn đề vướng mắc thì lãnh đạo Văn phòng Tổng cục trao đổi với Vụ Kiểm tra thu thuế XNK giải thích trước khi trình lãnh đạo Tổng cục. Nếu ý kiến của hai bên khác nhau thì báo cáo lãnh đạo Tổng cục quyết định.
- Thời gian tối đa không quá 2 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của Vụ Kiểm tra thu thuế XNK chuyển.
Bước 5: Ký quyết định và giải quyết vướng mắc
- Lãnh đạo Tổng cục xem xét, ký quyết định miễn thuế, hoàn thuế. Trong trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết, lãnh đạo Tổng cục Hải quan phải có trách nhiệm báo cáo và đề xuất phương án giải quyết lãnh đạo Bộ.
Thời gian Lãnh đạo Tổng cục xem xét, ký duyệt không quá 2 (hai) ngày làm việc.
- Trường hợp lãnh đạo Bộ có ý kiến chỉ đạo khác thì trong vòng 3 (ba) ngày làm việc kể từ ngày có ý kiến của lãnh đạo Bộ phải hoàn thành việc giải quyết theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ.
Bước 6: Triển khai lưu hành văn bản và lưu trữ hồ sơ
1. Văn bản sau khi đóng dấu thì chuyên viên giải quyết phải có trách nhiệm chuyển đến văn thư của Tổng cục Hải quan để lưu hành; Chuyên viên giải quyết lưu giữ công văn gốc và không được tự ý phát hành văn bản ra ngoài địa chỉ nơi nhận (kể cả bản sao).
Văn bản sau khi được phát hành, chuyên viên giải quyết phải kiểm tra lại hồ sơ đảm bảo hồ sơ lưu tại Vụ Kiểm tra Thu thuế XNK có đầy đủ các tài liệu, nếu thiếu tài liệu nào thì phải thu đủ; cho vào túi, cặp hồ sơ; thực hiện lưu trữ riêng các hồ sơ. Việc lưu trữ phải theo thứ tự thời gian, trường hợp hồ sơ thất lạc chuyên viên quản lý phải báo cáo ngay với cấp trên để tìm biện pháp xử lý và chịu trách nhiệm về việc thất lạc.
2. Văn thư Tổng cục Hải quan là bộ phận có trách nhiệm phát hành văn bản theo quy định,đúng địa chỉ nơi gửi, không được phép nhờ chuyển hộ. Trường hợp doanh nghiệp đến nhận văn bản trực tiếp thì người nhận phải có giấy giới thiệu của cơ quan và chứng minh thư, người nhận phải ký "đã nhận" vào sổ công văn của Tổng cục Hải quan.
Bước 7: Chế độ báo cáo, tổng hợp
Chậm nhất đến ngày 15 của tháng đầu quý và ngày 30 tháng 1 hàng năm Vụ Kiểm tra thu thuế XNK xử lý tổng hợp các quyết định miễn thuế, hoàn thuế và số thuế giải quyết miễn thuế, hoàn thuế hàng quý và hàng năm báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan và lãnh đạo Bộ Tài chính, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách Nhà nước).
Tư vấn kiến thức kế toán
• Phương pháp trích khấu hao Tài sản cố định
• Phân biệt cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú
• Cách xử lý hóa đơn mua vào của Doanh nghiệp bỏ trốn
• Một số điểm mới của Thông tư 92/2015/TT-BTC