Những quy định về Thanh toán bù trừ công nợ
Thứ ba, 25.08.2015 13:15Cấn trừ công nợ có được khấu trừ thuế GTGT? Có được đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN? Kế toán Đức Hà chia sẻ những quy định về thanh toán bù trừ công nợ, mẫu biên bản bù trừ công nợ, cách hạch toán bù trừ công nợ:
Dưới đây là câu hỏi của 1 bạn đã gửi cho Tổng cục thuế, mình xin chia sẻ để các bạn tham khảo:
Câu hỏi:
- Công ty tôi có mua hàng hóa của đối tác trị giá trên hóa đơn là 50 triệu đồng. Do khách hàng còn nợ tiền mua hàng của Công ty tôi là 15 triệu nên Công ty thực hiện bù trừ công nợ. Số tiền còn lại 35 triệu Công ty thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Vậy xin hỏi, hóa đơn này có được tính vào chi phí hợp lý cả 50 triệu hay không?
Ngày 24/06/2015 Tổng cục thuế trả lời trên website: gdt.gov.vn
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 6 Thông tư 78 năm 2014 của Bộ Tài chính về các khoản chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thì:
- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
- Theo quy định của chính sách thuế giá trị gia tăng thì phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra cũng được coi là thanh toán không dùng tiền mặt, do đó việc thanh toán hóa đơn của Công ty bạn được xác định là thanh toán không dùng tiền mặt nên được tính vào chi phí hợp lý tổng số tiền trên hóa đơn.
Kế toán Đức Hà trích dẫn các điều mới nhất về quy định Thanh toán bù trừ công nợ:
1. Về thuế GTGT:
Theo khoản 10 điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015:
"4. Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:
a. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế.
b. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ."
2. Về thuế TNDN:
Theo Khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC:
"2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a. Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b. Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c. Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt."
Như vậy: Để việc thanh toán bù trừ công nợ hợp lý và được khấu trừ thuế GTGT thì cần:
- Hợp đồng mua bán (quy định rõ trong hợp đồng về việc thanh toán bù trừ công nợ);
- Biên bản bù trừ công nợ 2 bên (Phải có xác nhận của 2 bên);
- Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
3. Cách hạch toán bù trừ công nợ:
Ví dụ: Công ty Đào tạo Kế toán Đức Hà mua hàng cho công A với giá trị là 77 triệu đồng; Nhưng Công ty A còn nợ của Công ty Đào tạo Kế toán Đức Hà 28 triệu đồng. Nên 2 bên thực hiện bù trừ công nợ. Số tiền còn lại 49 triệu đồng; Công ty thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
- Khi mua hàng:
Nợ 156: 70 triệu đồng
Nợ 133: 7 triệu đồng
Có 331 : 77 triệu đồng
- Cấn trừ công nợ:
Nợ 331: 28 triệu đồng
Có 131: 28 triệu đồng
- Khi thanh toán:
Nợ 331: 49 triệu đồng
Có 112: 49 triệu đồng
4. Mẫu biên bản bù trừ công nợ:
CÔNG TY ĐÀO TẠO KẾ TOÁN ĐỨC HÀ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự Do - Hạnh Phúc |
001/2015-KTĐH (V/v: Cấn trừ công nợ ) |
Hà Nội, ngày 24/08/2015 |
BIÊN BẢN BÙ TRỪ CÔNG NỢ
- Căn cứ vào biên bản giao nhận hàng hóa.
- Căn cứ vào thoả thuận giữa hai bên.
Hôm nay, ngày….
Tại văn phòng Công ty ....., địa chỉ:… , chúng tôi gồm có:
1. Bên A (Bên mua): ……………….…………
- Địa chỉ :…………………..
- Điện thoại : ………………….. Fax: ..................................
- Đại diện : ........................... Chức vụ:............................
2. Bên B (Bên bán): ………………………..
- Địa chỉ : ………………..
- Điện thoại : ……………….. Fax: .................................
- Đại diện : …………..….... Chức vụ: ….......................
Sau khi bàn bạc cả 2 bên bên cùng thống nhất và thoả thuận một số nội dung sau:
Tính đến T8/2015 Bên A Còn nợ tiền Bên B: là:…….
Hai bên đồng ý cấn trừ khoản nợ trên vào tiền nợ ………….
- Sau khi cấn trừ khoản công nợ trên thì số nợ bên A nợ bên B còn là…..đồng (hoặc hết nợ)
Biên bản này có hiệu lực kể từ ngày ký.
- Biên bản được thành lập làm 02 ( hai ) bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ 01 bản để làm cơ sở hạch toán.
ĐẠI DIỆN BÊN A ĐẠI DIỆN BÊN B
(Ký và ghi rõ họ tên, (Ký và ghi rõ họ tên,
có đóng dấu xác nhận) có đóng dấu xác nhận)
Tư vấn kiến thức kế toán
• Phương pháp trích khấu hao Tài sản cố định
• Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt
• Cách hạch toán tài khoản 341 - Vay và nợ thuê tài chính theo Thông tư 200/2014/TT/BTC
• Tài khoản 154 - Chi phí SXKD dở dang theo Thông tư 200/2014/TT-BTC