Chuẩn mực kiểm toán số 500
Thứ tư, 23.09.2015 10:38Ban hành kèm theo Thông tư số 214/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài Chính.
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Phạm vi áp dụng
01. Chuẩn mực kiểm toán này quy định và hướng dẫn các yếu tố cấu thành bằng chứng kiểm toán trong một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, quy định và hướng dẫn trách nhiệm của Kiểm toán viên và Doanh nghiệp kiểm toán (Sau đây gọi là “Kiểm toán viên”) trong việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra các kết luận hợp lý làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán.
02. Chuẩn mực kiểm toán này được áp dụng cho tất cả các bằng chứng kiểm toán thu thập được trong quá trình kiểm toán. Các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam khác quy định và hướng dẫn về những khía cạnh cụ thể của cuộc kiểm toán (Ví dụ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315 - “Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị”), hoặc về bằng chứng kiểm toán được thu thập liên quan đến một vấn đề cụ thể (Ví dụ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 570 - “Hoạt động liên tục”), hoặc về các thủ tục cụ thể để thu thập bằng chứng kiểm toán (Ví dụ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 520 - “Thủ tục phân tích”), và việc đánh giá tính đầy đủ, thích hợp của các bằng chứng kiểm toán đã thu thập (Ví dụ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 - “Mục tiêu tổng thể của Kiểm toán viên và Doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam” và Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330 - “Biện pháp xử lý của Kiểm toán viên đối với rủi ro đã đánh giá”).
03. Kiểm toán viên và Doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này trong quá trình thu thập và xử lý bằng chứng kiểm toán.
Đơn vị được kiểm toán (Khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này để phối hợp công việc với Kiểm toán viên và Doanh nghiệp kiểm toán và xử lý các mối quan hệ liên quan đến quá trình cung cấp và thu thập bằng chứng kiểm toán.
Mục tiêu
04. Mục tiêu của Kiểm toán viên và Doanh nghiệp kiểm toán là thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán để giúp Kiểm toán viên thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra các kết luận hợp lý làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán.
Giải thích thuật ngữ
05. Trong các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
(a) Tài liệu, sổ kế toán: Là các ghi chép ban đầu và các chứng từ, tài liệu đi kèm như séc, chứng từ chuyển khoản điện tử; hóa đơn; hợp đồng; Sổ Cái và sổ chi tiết, chứng từ ghi sổ hàng ngày và các điều chỉnh khác cho báo cáo tài chính không được phản ánh trong chứng từ ghi sổ hàng ngày; và các tài liệu như bảng phân bổ chi phí, bảng tính toán, đối chiếu và thuyết minh;
(b) Tính thích hợp (Của bằng chứng kiểm toán): Là tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng của các bằng chứng kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán phải đảm bảo phù hợp và đáng tin cậy để hỗ trợ cho Kiểm toán viên đưa ra các kết luận làm cơ sở hình thành ý kiến kiểm toán;
(c) Bằng chứng kiểm toán: Là tất cả các tài liệu, thông tin do Kiểm toán viên thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên các tài liệu, thông tin này, kiểm toán viên đưa ra kết luận và từ đó hình thành ý kiến kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán bao gồm những tài liệu, thông tin chứa đựng trong các tài liệu, sổ kế toán, kể cả báo cáo tài chính và những tài liệu, thông tin khác;
(d) Chuyên gia của đơn vị được kiểm toán: Là một cá nhân hoặc một tổ chức có kinh nghiệm chuyên môn trong một lĩnh vực riêng biệt ngoài lĩnh vực kế toán, kiểm toán, mà công việc của chuyên gia trong lĩnh vực đó được đơn vị được kiểm toán sử dụng trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính;
(e) Tính đầy đủ (Của bằng chứng kiểm toán): Là tiêu chuẩn đánh giá về số lượng bằng chứng kiểm toán. Số lượng bằng chứng kiểm toán cần thu thập chịu ảnh hưởng bởi đánh giá của Kiểm toán viên đối với rủi ro có sai sót trọng yếu và chất lượng của mỗi bằng chứng kiểm toán.
II. NỘI DUNG CHUẨN MỰC
Yêu cầu
Bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp
06. Kiểm toán viên phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán phù hợp với từng hoàn cảnh nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp (Xem hướng dẫn tại đoạn A1 - A25 Chuẩn mực này).
Tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán
07. Khi thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán, Kiểm toán viên phải xem xét tính phù hợp và độ tin cậy của tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán (Xem hướng dẫn tại đoạn A26 – A33 Chuẩn mực này).
08. Nếu tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán được tạo lập nhờ sử dụng công việc của chuyên gia của đơn vị được kiểm toán, tùy thuộc vào tầm quan trọng của công việc của chuyên gia đối với mục đích kiểm toán, Kiểm toán viên phải thực hiện các việc sau ở phạm vi cần thiết để (Xem hướng dẫn tại đoạn A34 - A36 Chuẩn mực này):
(a) Đánh giá năng lực, khả năng và tính khách quan của chuyên gia đó (Xem hướng dẫn tại đoạn A37 - A43 Chuẩn mực này);
(b) Tìm hiểu về công việc của chuyên gia đó (Xem hướng dẫn tại đoạn A44 - A47 Chuẩn mực này);
(c) Đánh giá tính thích hợp của công việ-c của chuyên gia được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán cho cơ sở dẫn liệu có liên quan (Xem hướng dẫn tại đoạn A48 Chuẩn mực này).
09. Khi sử dụng tài liệu, thông tin do đơn vị được kiểm toán tạo ra, Kiểm toán viên phải đánh giá liệu tài liệu, thông tin đó có đủ tin cậy cho mục đích kiểm toán hay không, bao gồm (Khi cần thiết):
(a) Thu thập bằng chứng kiểm toán về tính chính xác và tính đầy đủ của tài liệu, thông tin (Xem hướng dẫn tại đoạn A49 - A50 Chuẩn mực này);
(b) Đánh giá liệu tài liệu, thông tin có đủ chính xác và chi tiết cho mục đích kiểm toán hay không (Xem hướng dẫn tại đoạn A51 Chuẩn mực này).
Lựa chọn phần tử kiểm tra để thu thập bằng chứng kiểm toán
10. Khi thiết kế các thử nghiệm kiểm soát và kiểm tra chi tiết, Kiểm toán viên phải xác định phương pháp hiệu quả để lựa chọn các phần tử kiểm tra nhằm đạt được mục đích của thủ tục kiểm toán (Xem hướng dẫn tại đoạn A52 - A56 Chuẩn mực này).
Tính không nhất quán, hoặc những hoài nghi về độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán
11. Kiểm toán viên phải xác định các điều chỉnh hoặc bổ sung cần thiết đối với các thủ tục kiểm toán để giải quyết các vấn đề sau và phải xem xét ảnh hưởng (Nếu có) của vấn đề sau đây đến các khía cạnh khác của cuộc kiểm toán (Xem hướng dẫn tại đoạn A57 Chuẩn mực này):
(a) Bằng chứng kiểm toán thu thập được từ nguồn này không nhất quán với bằng chứng thu thập được từ nguồn khác; hoặc
(b) Kiểm toán viên hoài nghi về độ tin cậy của tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán.
III. HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG
LINK FILE CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN SỐ 500: Tài liệu đính kèm 1
Tư vấn kiến thức kế toán
• Phương pháp trích khấu hao Tài sản cố định
• Mẫu biên bản điều chỉnh Hóa đơn
• Thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân
• Thủ tục mua chứng từ khấu trừ Thuế TNCN