Xử lý hàng xuất khẩu bị trả lại
Chủ nhật, 12.04.2020 11:00Hàng xuất khẩu đã bán nhưng bị khách hàng trả lại thì xử lý như thế nào? Cách xử lý về thuế GTGT của hàng xuất khẩu bán bị trả lại.
Công ty có hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa đã kê khai khấu trừ và được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, bên nhập khẩu không nhận hàng, xuất trả lại hàng cho Công ty. Trường hợp này Công ty không được khấu trừ, hoàn thuế đối với số thuế GTGT đầu vào của lô hàng trên do không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên nhập khẩu cho Công ty.
Đối với số thuế GTGT đầu vào đã kê khai khấu trừ và được hoàn thuế nhưng không đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế thì xử lý như sau:
- Nếu Công ty kê khai bổ sung, điều chỉnh trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì Công ty phải:
+ Nộp lại số tiền thuế GTGT đã được hoàn cao hơn so với quy định.
+ Xác định số tiền chậm nộp tính trên số tiền được hoàn cao hơn theo mức: 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày và 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày.
- Nếu Công ty không kê khai bổ sung, điều chỉnh theo quy định, qua thanh, kiểm tra cơ quan thuế phát hiện số thuế GTGT không được hoàn thì ngoài việc phải nộp lại số tiền thuế không được hoàn và tính phạt chậm nộp như trên thì Công ty còn bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai sai dẫn đến làm tăng số tiền thuế được hoàn với mức phạt là 20% tính trên số tiền thuế không được hoàn.
- Đối với lô hàng nhập khẩu do hàng hóa bị trả lại mà Công ty dùng để tiếp tục xuất khẩu hoặc bán cho khách hàng khác thì Công ty được kê khai khấu trừ thuế nếu có biên lai, chứng từ nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu theo quy định và đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc và điều kiện khác quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Thông tư số 06/2012/TT-BTC.
- Trong trường hợp Công ty xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, một số hàng hóa kém chất lượng nên bị trừ tiền hàng. Nếu Công ty và bên nhập khẩu có văn bản thoả thuận việc giảm giá do hàng hóa kém chất lượng, đồng thời đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc và điều kiện khác quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Thông tư số 06/2012/TT-BTC thì được khấu trừ toàn bộ số thuế GTGT đầu vào của hàng xuất khẩu theo quy định.
2. Thủ tục hải quan
Căn cứ Điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định:
“Điều 47. Thủ tục hải quan tái nhập đối với hàng hóa đã xuất khẩu
1. Các hình thức tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại (Sau đây gọi tắt là tái nhập hàng trả lại) bao gồm:
a. Tái nhập hàng trả lại để sửa chữa, tái chế (Gọi chung là tái chế) sau đó tái xuất;
b. Tái nhập hàng trả lại để tiêu thụ nội địa;
c. Tái nhập hàng trả lại để tiêu hủy tại Việt Nam (Không áp dụng đối với hàng gia công cho thương nhân nước ngoài);
d. Tái nhập hàng trả lại để tái xuất cho đối tác nước ngoài khác.
2. Hồ sơ hải quan:
a. Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu;
b. Chứng từ vận tải trong trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: Nộp 01 bản chụp;
c. Văn bản của bên nước ngoài thông báo hàng bị trả lại hoặc văn bản của hãng tàu/đại lý hãng tàu thông báo không có người nhận hàng: Nộp 01 bản chụp.
3. Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này (Trừ giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành).
4. Cơ quan hải quan không thu thuế đối với hàng hóa tái nhập quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu tại thời điểm làm thủ tục tái nhập người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo quy định.
5. Đối với hàng hóa tái nhập để tái chế thì thời hạn tái chế do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập; Người khai hải quan chưa phải nộp thuế trong thời hạn tái chế, nếu quá thời hạn tái chế đã đăng ký mà chưa tái xuất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
6. Thủ tục tái xuất hàng đã tái chế thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này”.
=> Như vậy, về thủ tục khai báo hải quan tái nhập đối với hàng hóa đã xuất khẩu để sửa chữa sau đó tái xuất Công ty thực hiện theo quy định tại Điều 47 Nghị định 08/2015/NĐ-CP.
3. Định khoản hàng xuất khẩu bán bị trả lại
3.1. Khi Doanh nghiệp xuất khẩu
- Định khoản doanh thu, ghi:
Nợ 131, 111, 112 -Trị giá hàng bán xuất khẩu
Có 511 - Trị giá hàng bán xuất khẩu
- Định khoản giá vốn, ghi:
Nợ 632 - Trị giá xuất kho
Nợ 133 (Nếu có)
Có 155, 156, 157, 331 - Trị giá xuất kho
3.2. Doanh nghiệp nhập khẩu lại lô hàng xuất khẩu bị trả lại
- Định khoản khi Doanh nghiệp chấp nhận nhận lại hàng xuất khẩu bị trả lại, ghi:
Nợ 5213 - Trị giá hàng xuất khẩu bị trả lại (Theo thông tư 200/2014/TT-BTC)
Nợ 511 - Trị giá hàng xuất khẩu bị trả lại (Theo thông tư 133/2016/TT-BTC)
Có 111,112,131 - Trị giá hàng xuất khẩu bị trả lại
- Định khoản các chi phí liên quan đến quá trình nhập khẩu lô hàng xuất khẩu bị trả lại, ghi:
Nợ 641 - Chi phí liên quan đến quá trình nhận lại hàng xuất khẩu bị trả lại
Nợ 133 - Thuế GTGT nhập khẩu lô hàng bị trả lại
Có 111, 112, 331, 3333, 33312,… - Tổng các khoản chi phí phát sinh
3.3. Nhập kho lô hàng xuất khẩu bị trả lại, ghi:
Nợ 632 - Trị giá nhập kho
Có 155, 156, 157 - Trị giá nhập kho
Tư vấn kiến thức kế toán
Hướng dẫn Kiểm Tra Bảng Cân Đối Phát Sinh
HỌC KẾ TOÁN TRỰC TUYẾN
• 3 Trường hợp xuất khẩu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng được khấu trừ hoàn thuế
• Một số lưu ý về thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
• Hướng dẫn hạch toán kế toán Công ty may gia công
• Chi phí lãi vay khi Doanh nghiệp mua ô tô được quy định như thế nào?