Các vấn đề quan trọng về thuế vãng lai cần nắm rõ
Chủ nhật, 05.04.2020 15:37Thuế vãng lai là một khoản thuế GTGT (Thường là 2%) được trích nộp khi DN bán hàng ngoại tỉnh.
Việc DN bán hàng ngoại tỉnh gồm cả việc nhận thi công xây dựng, lắp đặt và chuyển nhượng bất động sản
Vậy các trường hợp DN cần lưu ý là gì? Trường hợp nào doanh nghiệp cần nộp thuế vãng lai? Trường hợp nào được miễn thuế vãng lai?
Theo quy định, từ năm 2015, doanh thu vãng lai dưới 1 tỷ đồng thì miễn trích nộp thuế. Tuy nhiên hạn mức này không áp dụng đối với chuyển nhượng Bất động sản.
1. Các trường hợp được miễn thuế vãng lai
1.1. Bán hàng giao đến công trình ngoại tỉnh
Bán hàng giao đến công trình ngoài tỉnh không bị xem là hoạt động bán hàng vãng lai. Do đó, được miễn khai nộp thuế GTGT vãng lai tại nơi giao hàng => Thay vào đó, chỉ cần khai nộp thuế tại trụ sở chính như bình thường (Công văn số 3193/TCT-KK ngày 19/7/2017).
1.2. Sửa chữa máy móc ngoại tỉnh
Đối với dịch vụ sửa chữa máy móc cho dự án ở ngoài tỉnh, theo Tổng cục Thuế thì đây không phải hoạt động xây dựng, lắp đặt hay bán hàng vãng lai ngoại tỉnh => Do đó, được miễn kê khai nộp thuế GTGT vãng lai, chỉ cần khai thuế tập trung tại trụ sở chính (Công văn số 1529/TCT-KK ngày 20/4/2017).
1.3. Bán hàng tại kho ngoại tỉnh
Đối với dịch vụ sửa chữa máy móc cho dự án ở ngoài tỉnh, theo Tổng cục Thuế thì đây không phải hoạt động xây dựng, lắp đặt hay bán hàng vãng lai ngoại tỉnh => Do đó, được miễn kê khai nộp thuế GTGT vãng lai, chỉ cần khai thuế tập trung tại trụ sở chínhn(Công văn số 1529/TCT-KK ngày 20/4/2017).
1.4. Cho thuê máy móc
Hoạt động cho thuê máy móc, thiết bị sang địa phương khác không phải là hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt hay bán hàng vãng lai ngoại tỉnh theo quy định tại Tiết a Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC => Do đó, được miễn kê khai nộp thuế GTGT vãng lai (Công văn số 76403/CT-HTr ngày 2/12/2015).
1.5. Xây dựng công trình dưới 1 tỷ đồng
- Theo Tiết a Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC, chỉ khi giá trị công trình xây dựng ngoại tỉnh (Bao gồm cả thuế GTGT) từ 1 tỷ đồng trở lên thì Doanh nghiệp mới phải kê khai nộp thuế GTGT vãng lai.
- Ngược lại, nếu công trình xây dựng ngoại tỉnh có giá trị dưới 1 tỷ đồng thì chỉ cần kê khai, nộp thuế GTGT tại trụ sở chính, miễn kê khai nộp thuế GTGT vãng lai (Công văn số 67878/CT-HTr ngày 20/10/2015).
1.6. Bán suất ăn ca ra ngoài tỉnh
Đối với hoạt động cung cấp suất ăn ca cho công nhân (Bao gồm cung cấp thực phẩm và nhân công đến chế biến trực tiếp) tại các nhà máy ngoài tỉnh, Tổng cục Thuế cho rằng đây không phải hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh => Do đó, được khai thuế GTGT tập trung về trụ sở chính, miễn khai nộp thuế vãng lai theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC (Công văn số 2902/TCT-KK ngày 17/7/2015).
1.7. Doanh thu vãng lai dưới 1 tỷ đồng
Trước năm 2015, theo Thông tư 156/2013/TT-BTC, việc nộp thuế vãng lai không phân biệt mức doanh thu trên hay dưới 1 tỷ đồng. Từ 1/1/2015, Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC quy định mức trần, nếu doanh thu vãng lai không quá 1 tỷ đồng thì miễn thuế vãng lai. Tuy nhiên, quy định trên đây không áp dụng đối với chuyển nhượng bất động sản (Công văn số 2406/TCT-KK ngày 18/6/2015).
1.8. Buôn bán tại chỗ
Trường hợp nguyên vật liệu được mua và bán ngay tại địa phương đó (ví dụ: mua cát xây dựng và bán cho công trình xây dựng trong cùng địa bàn tỉnh) thì không bị xem là bán hàng vãng lai, được miễn trích nộp thuế vãng lai.
(Công văn số 3049/TCT-KK ngày 5/8/2014)
2. Các trường hợp phải nộp thuế vãng lai
2.1. Lắp đặt thiết bị cho công trình ngoài tỉnh
- Trường hợp Công ty ký hợp đồng cung cấp kiêm lắp đặt thiết bị cho công trình ở địa phương khác thì bị xem là hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh.
- Nếu chưa thành lập đơn vị trực thuộc tại đây, Công ty phải kê khai nộp thuế GTGT vãng lai, 1% hoặc 2% doanh thu, tùy thuộc hàng hóa đó chịu thuế suất 5% hay 10%.
- Hồ sơ khai thuế GTGT vãng lai là Tờ khai mẫu số 05/GTGT, nộp theo từng lần phát sinh hoặc đăng ký nộp theo tháng, nếu phát sinh nhiều lần nộp trong một tháng (Công văn số 2306/TCT-CS ngày 1/6/2017).
2.2. Chuyển nhượng BĐS tại nơi chưa có chi nhánh
- Theo Điểm đ Khoản 1 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC, Doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế vãng lai (2%) khi chưa có Chi nhánh tại nơi phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.
- Nếu đã có chi nhánh tại nơi phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì được miễn khai nộp thuế vãng lai.
- Hồ sơ khai thuế GTGT vãng lai áp dụng Mẫu số 05/GTGT, thời điểm nộp theo từng lần phát sinh (Công văn số 2201/TCT-KK ngày 24/5/2015).
2.3. Cộng gộp các hạng mục xây dựng ngoài tỉnh, nếu từ 1 tỷ đồng trở lên
- Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC, đối với hoạt động xây dựng công trình ngoại tỉnh, nghĩa vụ nộp thuế vãng lai chỉ dựa trên giá trị công trình (Từ 1 tỷ đồng trở lên), không phân biệt ký một hay nhiều hợp đồng thi công, thực hiện một hay nhiều hạng mục công trình.
- Theo đó, trường hợp doanh nghiệp ký nhiều hợp đồng thi công cho nhiều hạng mục của cùng một công trình ngoại tỉnh, tuy giá trị từng hạng mục dưới 1 tỷ đồng nhưng tổng giá trị các hạng mục trên 1 tỷ đồng thì phải kê khai nộp thuế GTGT vãng lai (Công văn số 76825/CT-HTr ngày 4/12/2015).
2.4. Chuyển nhượng BĐS kể cả dưới 1 tỷ đồng
- TheoKhoản 1 Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định doanh thu dưới 1 tỷ đồng được miễn nộp thuế vãng lai. Tuy nhiên, chỉ áp dụng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt và bán hàng vãng lai ngoại tỉnh.
- Riêng hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh cho dù giá chuyển nhượng dưới 1 tỷ đồng thì vẫn phải nộp thuế vãng lai (2%) (Công văn số 3771/TCT-KK ngày 15/9/2015).
2.5. Thuê mặt bằng kinh doanh tại tỉnh khác
- Theo Tổng cục Thuế, trường hợp doanh nghiệp thuê mặt bằng nhà xưởng ở địa phương khác để kinh doanh nhưng không thành lập đơn vị trực thuộc thì đây là hoạt động kinh doanh bán hàng vãng lai ngoại tỉnh => Theo đó, Doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế GTGT vãng lai (2%), nếu giá trị bán hàng vãng lai ngoại tỉnh bao gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên (Điểm a, Điểm e Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC).
(Công văn số 3753/TCT-KK ngày 14/9/2015)
3. Một số vấn đề khác
3.1. Nộp nhầm thuế vãng lai tại trụ sở chính được miễn phạt
- Việc nộp nhầm thuế vãng lai tại trụ sở chính (Thay vì phải nộp tại nơi phát sinh hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng ngoại tỉnh) không bị xem là trốn thuế, gian lận thuế hay chậm nộp. => Do đó, không bị xử phạt thuế và tính tiền chậm nộp.
- Doanh nghiệp chỉ cần nộp văn bản đến cơ quan thuế tại trụ sở chính để xin chuyển số thuế vãng lai đã nộp nhầm về đúng nơi quy định (Công văn số 4045/TCT-KK ngày 6/9/2016).
3.2. Dự án xây dựng ngoài tỉnh có phải nộp thuế vãng lai?
Nghĩa vụ nộp thuế vãng lai chỉ phát sinh khi doanh nghiệp chưa thành lập Chi nhánh tại nơi tiến hành hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh => Theo đó, nếu Doanh nghiệp đã thành lập Chi nhánh hoặc Ban quản lý cho dự án đầu tư xây dựng ngoại tỉnh thì không phải nộp thuế vãng lai. Ngược lại, nếu chưa thành lập Chi nhánh hay Ban quản lý cho dự án thì phải nộp thuế vãng lai với tỷ lệ 2% doanh thu (Công văn số 3907/TCT-KK ngày 29/8/2016).
3.3. Thuế GTGT vãng lai được khấu trừ tại trụ sở chính
- Theo quy định, Doanh nghiệp được tổng hợp số thuế GTGT vãng lai đã nộp ở các tỉnh để bù trừ với số thuế phải nộp tại trụ sở chính.
- Số thuế này được kê khai vào Chỉ tiêu 39 trên tờ khai Mẫu 01/GTGT. Ngoài ra, còn phải đính kèm thêm Bảng tổng hợp số thuế GTGT vãng lai đã nộp theo Mẫu số 01-5/GTGT ban hành tại Thông tư 156/2013/TT-BTC (Công văn số 49012/CT-HTr ngày 25/7/2016).
Tư vấn kiến thức kế toán
Hướng Dẫn Bút Toán Cuối Tháng DN Sản Xuất
Học Thực Hành Kế Toán Sản Xuất
• QUY TRÌNH LÀM KẾ TOÁN XÂY LẮP TRÊN PHẦN MỀM MISA
• QUY TRÌNH LÀM KẾ TOÁN XNK TRÊN PHẦN MỀM MISA
• Những sai sót thường gặp trong kế toán tiền lương
• Những sai sót cần tránh khi làm kế toán hàng tồn kho