Cách ghi sổ theo hình thức kế toán Nhật ký - Sổ cái
Thứ năm, 16.08.2018 13:13Hướng dẫn cách ghi sổ kế toán theo hình thức Nhật ký - Sổ cái, trình tự ghi sổ theo hình thức kế toán Nhật ký - Sổ cái.
1. Đặc trưng cơ bản của hình thức kế toán Nhật ký - Sổ Cái:
* Các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh được kết hợp ghi chép theo trình tự thời gian và theo nội dung kinh tế (Theo tài khoản kế toán) trên cùng một quyển sổ kế toán tổng hợp duy nhất là sổ Nhật ký - Sổ Cái. Căn cứ để ghi vào sổ Nhật ký - Sổ Cái là các chứng từ kế toán hoặc Bảng tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại.
* Hình thức kế toán Nhật ký - Sổ Cái gồm có các loại sổ kế toán sau:
- Nhật ký - Sổ Cái;
- Các sổ, thẻ kế toán chi tiết.
* Ưu điểm:
- Số lượng sổ ít, mẫu sổ đơn giản dễ ghi chép;
- Việc kiểm tra đối chiếu số liệu có thể thực hiện thường xuyên trên sổ Tổng hợp Nhật ký - sổ cái.
* Nhược điểm:
- Khó thực hiện việc phân công lao động kế toán (Chỉ có duy nhất 1 sổ tổng hợp - Nhật ký sổ cái);
- Khó thực hiện đối với Doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, phát sinh nhiều Tài khoản.
2. Trình tự ghi sổ kế toán theo hình thức kế toán Nhật ký - Sổ Cái:
2.1. Công việc hàng ngày:
- Kế toán căn cứ vào các chứng từ kế toán hoặc Bảng tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại đã được kiểm tra và được dùng làm căn cứ ghi sổ; Trước hết xác định Tài khoản ghi Nợ, Tài khoản ghi Có để ghi vào Sổ Nhật ký - Sổ Cái. Số liệu của mỗi chứng từ (Hoặc Bảng tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại) được ghi trên một dòng ở cả 2 phần Nhật ký và phần Sổ Cái. Bảng tổng hợp chứng từ kế toán được lập cho những chứng từ cùng loại (Phiếu thu, Phiếu chi, Phiếu xuất, Phiếu nhập,…) phát sinh nhiều lần trong một ngày hoặc định kỳ 1 đến 3 ngày.
- Chứng từ kế toán và Bảng tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại sau khi đã ghi Sổ Nhật ký - Sổ Cái, được dùng để ghi vào sổ, thẻ kế toán chi tiết có liên quan.
2.2. Công việc cuối tháng:
- Sau khi đã phản ánh toàn bộ chứng từ kế toán phát sinh trong tháng vào Sổ Nhật ký - Sổ Cái và các sổ, thẻ kế toán chi tiết; Kế toán tiến hành cộng số liệu của cột số phát sinh ở phần Nhật ký và các cột Nợ, cột Có của từng Tài khoản ở phần Sổ Cái để ghi vào dòng cộng phát sinh cuối tháng. Căn cứ vào số phát sinh các tháng trước và số phát sinh tháng này tính ra số phát sinh lũy kế từ đầu quý đến cuối tháng này. Căn cứ vào số Dư đầu tháng (Đầu quý) và số Phát sinh trong tháng (Trong quý), kế toán tính ra số Dư cuối tháng (Cuối quý) của từng tài khoản trên Nhật ký - Sổ Cái.
2.3. Khi kiểm tra, đối chiếu số cộng cuối tháng (Cuối quý) trong Sổ Nhật ký - Sổ Cái phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Tổng số tiền của cột “Phát sinh” ở phần Nhật ký |
= |
Tổng số phát sinh Nợ của tất cả các Tài khoản |
= |
Tổng số phát sinh Có của tất cả các Tài khoản |
Tổng số dư Nợ các Tài khoản |
= |
Tổng số dư Có các Tài khoản |
2.4. Các sổ, thẻ kế toán chi tiết cũng phải được khóa sổ để cộng số phát sinh Nợ, số phát sinh Có và tính ra số Dư cuối tháng của từng đối tượng.
- Căn cứ vào số liệu khóa sổ của các đối tượng lập “Bảng tổng hợp chi tiết" cho từng tài khoản. Số liệu trên “Bảng tổng hợp chi tiết” được đối chiếu với số Phát sinh Nợ, số Phát sinh Có và Số dư cuối tháng của từng Tài khoản trên Sổ Nhật ký - Sổ Cái.
- Số liệu trên Nhật ký - Sổ Cái và trên “Bảng tổng hợp chi tiết” sau khi khóa sổ được kiểm tra, đối chiếu nếu khớp, đúng sẽ được sử dụng để lập Báo cáo tài chính.
Tư vấn kiến thức kế toán
Học kế toán
Hướng dẫn học kế toán
• So sánh Thông tư 133/2016/TT-BTC và Quyết định 48/2006/QĐ-BTC
• Cách ghi sổ theo hình thức kế toán Nhật ký - Chứng từ
• Cách ghi sổ theo hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ
• Dự thảo áp dụng quy định mới về ưu đãi Thuế TNDN từ năm 2017