MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO HIỂM
Thứ sáu, 16.08.2019 15:48Kế toán Đức Hà cùng các bạn tìm hiểu về một số vấn đề về Bảo hiểm năm 2019.
1. Từ ngày 01/08/2019, kết quả đóng BHXH được thông báo qua tin nhắn => Đó là nội dung tại Công văn số 774/CNTT-PM ngày 18/7/2019 của Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) về việc tiếp tục triển khai Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và Doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).
- Do đó, để minh bạch hóa thông tin đối với đơn vị tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), từ ngày 01/08/2019 => BHXH Việt Nam sẽ bổ sung tin nhắn gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN của tháng trước liền kề và số tiền dự tính phải đóng của tháng hiện tại đối với đơn vị tham gia.
- Tin nhắn thông báo sẽ được vào ngày 01 hàng tháng với nội dung; Ví dụ như: “Kính gửi Công ty TNHH A: Số tiền đã đóng tháng 06/2019 là 8.548.678.950 đồng; Số tiền còn phải đóng chuyển sang tháng 06/2019 là -266.548.686 đồng; Số tiền dự tính phải đóng tháng 7/2019 là 7.839.875.626 đồng. Chi tiết liên hệ BHXH TP. Hà Nội.”
- Ngoài ra, kết quả tiếp nhận dữ liệu điện tử cũng được gửi đến lãnh đạo cơ sở khám chữa bệnh BHYT vào ngày 06 hàng tháng qua tin nhắn với nội dung; Ví dụ như: “Tháng 5/2019, mã CSKCB 01930: Tổng số lượt đề nghị là 9.686 lượt, tổng số tiền đề nghị BHXH thanh toán là 10.425.676.000 đồng, tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày là 72%. Trân trọng!”
Theo Công văn số 774/CNTT-PM, khi bắt đầu triển khai, các tin nhắn thông báo trên sẽ được chuyển sang tin nhắn tiếng Việt không dấu. BHXH các tỉnh không thực hiện việc gửi tin nhắn trùng với các nội dung tin nhắn mà BHXH Việt Nam đã triển khai.
2. Từ ngày 01/08/2019, nhiều trường hợp được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH
Quân nhân, công an, cán bộ, viên chức, người làm công tác cơ yếu,… sẽ được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH trên 7% từ ngày 01/08/2019
2.1. Theo Thông tư 09/2019/TT-BNV và Thông tư 10/2019/TT-BLĐTBXH có hiệu lực lần lượt vào ngày 1/8/2019 và 15/8/2019, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của những người thuộc diện sau sẽ tăng 7,19%:
• Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (Gọi chung là cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc).
• Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
• Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
• Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
• Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của các đối tượng trên được tăng thêm 7,19% so với mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2019.
2.2. Cụ thể: Trợ cấp hàng tháng từ tháng 7 = mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp tháng 6 x 1,0719.
Theo Thông tư 09/2019/TT-BNV, mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được xác định như sau:
• Trợ cấp hàng tháng 2.116.000 đồng với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.
• Trợ cấp hàng tháng 2.048.000 đồng với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng Công an xã.
• Trợ cấp hằng tháng 1.896.000 đồng cho cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc với các chức danh còn lại.
Khi các thông tư nêu trên có hiệu lực, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện thủ tục truy lĩnh với số tiền tăng thêm trong tháng 7 mà chưa chi trả.
3. Hướng dẫn sử dụng các nguồn để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2019
- Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
- Theo đó, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương cơ sở năm 2019 của các bộ, cơ quan Trung ương từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (Nếu có); Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019 (Phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng); Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (Nếu có); Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019; Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên.
- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (Không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính; Sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện so với dự toán năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao.
- Thông tư 46/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/09/2019.
4. Tra cứu thời gian đóng, hưởng BHXH bằng tin nhắn: Lợi ích lớn, hiệu quả cao
- Thông qua hệ thống tổng đài 8079, người lao động có thể tra cứu quá trình đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bằng tin nhắn với chi phí 1.000 đồng. Đây là một trong những dịch vụ thuộc “Hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH” nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT.
- Chủ động tiếp cận thông tin về thời gian đóng, hưởng BHXH, BHYT
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2019, dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN là Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và Doanh nghiệp (DN) với cơ quan BHXH. Theo đó, 2 loại hình tin nhắn được triển khai là: “Tin nhắn thương hiệu BHXH Việt Nam” cho cơ quan BHXH và “Tin nhắn theo cú pháp” cho đơn vị, cá nhân. Cụ thể:
• Đối với loại hình “Tin nhắn thương hiệu BHXH Việt Nam” được thực hiện bởi cơ quan BHXH trong các trường hợp:
+ Gửi thông báo tới đại diện DN sau khi DN nộp tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ);
+ Tự động thông báo ngừng đóng BHXH đến NLĐ khi DN báo giảm, không tiếp tục tham gia BHXH cho NLĐ;
+ Gửi tin nhắn thông báo cho đơn vị/cá nhân nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH và khi cơ quan BHXH giải quyết xong hồ sơ;
+ Thông báo cho người tham gia BHXH tự nguyện khi phương thức đóng đã đăng ký gần hết hạn;
+ Thông báo cho người tham gia BHYT hộ gia đình trước khi thẻ BHYT hết giá trị sử dụng 30 ngày.
• Đối với loại hình “Tin nhắn theo cú pháp” dành cho các cá nhân, đơn vị tự tra cứu quá trình tham gia chính sách BHXH, BHYT, BHTN của mình bằng cách soạn tin nhắn theo mẫu gửi đến số tổng đài 8079.
- Đánh giá về những lợi ích mà dịch vụ tin nhắn này mang lại cho NLĐ, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN đem đến sự kết nối thông tin, giải quyết chế độ chính sách giữa các cá nhân, đơn vị với cơ quan BHXH trở lên thuận tiện, nhanh chóng và chính xác hơn. Đây là điều rất cần thiết giúp người dân, NLĐ chủ động hơn trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN; Từ đó, cùng với cơ quan BHXH đấu tranh, tố giác, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.
- Giảm nhân lực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
- Theo ông Phạm Lương Sơn, không chỉ tiện lợi với NLĐ, với các đơn vị sử dụng lao động, dịch vụ tin nhắn còn giúp ích lớn cho đội ngũ làm công tác BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị trong việc quản lý đóng nộp, tăng giảm lao động, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; Từ đó, giúp DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, nhân lực cho những công việc này.
- Về phía cơ quan BHXH, dịch vụ tin nhắn này sẽ góp phần quan trọng vào công tác quản lý, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ khi có thể tiếp cận tốt nhất đến từng đơn vị sử dụng lao động, từng người tham gia BHXH, BHYT.
- Hiện nay, cơ quan BHXH đang trong quá trình hoàn thiện việc thu thập thông tin về số điện thoại di động của đại diện DN và cá nhân; Sau đó cập nhật trên các hệ thống phần mềm liên quan của ngành BHXH để dịch vụ tin nhắn này được triển khai tối ưu nhất.
- Ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, BHXH Việt Nam đang khẩn trương xây dựng “Hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH” để phục vụ người dân và DN với các dịch vụ tiện ích, hiện đại. Ngoài dịch vụ tin nhắn tra cứu đã đi vào hoạt động, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai Dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; Hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; Phân tích, khai thác dữ liệu trên hệ thống dữ liệu tập trung (BigData); Thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội…
5. Thay thế 18 thủ tục hành chính trong chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 777/QĐ-BHXH công bố 18 thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và 1 thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực chi trả các chế độ này.
- Theo đó, BHXH Việt Nam công bố thủ tục hành chính (TTHC) thay thế, bãi bỏ thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam.
- Cụ thể, 15 TTHC thay thế thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH, bao gồm:
• Giải quyết hưởng chế độ ốm đau;
• Giải quyết hưởng chế độ thai sản;
• Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
• Giải quyết hưởng BHXH 1 lần; giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần đầu;
• Giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do thương tật, bệnh tật tái phát;
• Giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN đối với trường hợp đã bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nay tiếp tục bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
• Giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã;
• Giải quyết hưởng trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng ra nước ngoài để định cư và công dân nước ngoài đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không còn cư trú ở Việt Nam…
Đồng thời, có 3 TTHC thay thế thuộc lĩnh vực chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp bao gồm:
• Người hưởng lĩnh chế độ BHXH bằng tiền mặt chuyển sang lĩnh bằng tài khoản cá nhân và ngược lại, hoặc thay đổi tài khoản cá nhân, hoặc thay đổi nơi nhận trong địa bàn tỉnh;
• Ủy quyền lĩnh thay lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp;
• Truy lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH của người hưởng đã chết nhưng còn chế độ chưa nhận.
BHXH Việt Nam cũng bãi bỏ 1 TTHC về truy lĩnh lương hưu, hưởng tiếp trợ cấp BHXH trong các trường hợp:
• Hết hạn hưởng, không còn tên trên Danh sách chi trả tháng này nhưng còn số tiền của các tháng trước chưa nhận;
• Người hưởng hoặc người lĩnh thay 6 tháng liên tục không nhận tiền, cơ quan BHXH đã tạm dừng in danh sách chi trả;
• Truy lĩnh chế độ BHXH một lần của những năm trước.
Theo BHXH Việt Nam, Quyết định số 777/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 24/6/2019, thay thế Quyết định số 1055/QĐ-BHXH ngày 25/7/2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam.
Tư vấn kiến thức kế toán
Hướng dẫn Kiểm tra Bảng Cân Đối Phát Sinh
Học Kế Toán Trực Tuyến
• Chi phí mua Bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên
• Các tình huống quan trọng về xử lý hóa đơn
• Bán hàng vào Khu chế xuất - Những điều DN cần biết
• Những rủi ro thường gặp trong Quy trình mua hàng hóa